Sự cần thiết của nhiệt điện than ở Việt Nam

Sự cần thiết của nhiệt điện than ở Việt Nam

11:08 - 25/09/2020

Nguồn nhiệt điện than vẫn đóng vai trò quan trọng cho việc phát điện, công nghệ nhiệt điện đốt than truyền thống đã và sẽ được cải thiện nhằm giải quyết tốt mâu thuẫn giữa phát triển công nghiệp và môi trường.

Hiệu suất xử lý bụi tại các nhà máy nhiệt điện của EVN trên 99,6%
Vai trò của nhiệt điện than trong hệ thống năng lượng quốc gia
Giải pháp giảm ô nhiễm môi trường cho các nhà máy nhiệt điện than
Giải pháp tăng cường hiệu quả vận hành nhà máy nhiệt điện than

Lợi thế của các nhà máy nhiệt điện đốt than

Nhiên liệu hóa thạch hiện được sử dụng nhiều nhất cho sản xuất điện. Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong cơ cấu sản xuất điện của thế giới hiện nay, các nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí đốt) được sử dụng để sản xuất 2/3 sản lượng điện toàn cầu. Trong đó các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu than được sử dụng rộng rãi nhất, chiếm 40,8% sản lượng điện. Các nhà máy nhiệt điện than có các ưu, nhược điểm chính sau.

Về ưu điểm, hiện công nghệ nhiệt điện than đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc tăng hiệu suất và giảm phát thải khí nhà kính (CO2). Than được sử dụng rộng rãi trong sản xuất điện, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện bền vững, với chi phí phải chăng.

Lợi thế lớn nhất của nhiệt điện than là độ tin cậy. Các nhà máy nhiệt điện than có thể làm việc liên tục với công suất cao, làm việc trong phần nền của biểu đồ phụ tải; với độ tin cậy cao, số giờ làm việc với công suất cực đại Tmax có thể lên đến 7500 giờ/năm. Chi phí sản xuất điện tương đối thấp. Điện được sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện đốt than rẻ hơn so với nhiều nguồn năng khác.

Công nghệ nhiệt điện than đã được kiểm chứng và không ngừng được hoàn thiện, độ tin cậy, hiệu suất không ngừng được nâng cao. Các nhà máy nhiệt điện than được coi là an toàn hơn so với các nhà máy điện hạt nhân. Trường hợp xảy ra sự cố, nhiệt điện than cũng không có khả năng gây ra các thảm họa như một cuộc khủng hoảng hạt nhân. Ngoài ra, các biện pháp bảo hộ lao động, tự động hóa và năng suất lao động cũng được cải thiện đáng kể trong thời gian qua.

Tuy nhiên, nhiệt điện than phát thải khí nhà kính. Trong các nguồn nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhiệt điện than có phát thải khí nhà kính lớn nhất. Bên cạnh đó, nhiệt điện than phát sinh chất thải rắn. Tro xỉ phát sinh trong sản xuất điện từ các nhà máy nhiệt điện than cũng gây tác động đến môi trường, chiếm dụng tài nguyên đất và phát sinh các chi phí xử lý. Nhiệt điện than phát thải các chất độc hại. Ngoài khí CO2, các nhà máy nhiệt điện than còn thải ra nhiều chất có hại vào môi trường; gồm thủy ngân, khí SO2, CO, thủy ngân, asen,…. Những chất thải này có thể gây ra mưa axit.

Mặc dù còn nhiều nhược điểm, nhưng  nguồn nhiên liệu hóa thạch nói chung, nguồn nhiệt điện than nói riêng vẫn còn đóng vai trò quan trọng cho việc phát điện; công nghệ nhiệt điện đốt than truyền thống đã và sẽ được cải thiện nhằm giải quyết tốt mâu thuẫn giữa phát triển công nghiệp và môi trường.

 
 

Nguồn năng lượng tái tạo và ưu thế bảo vệ môi trường 

Năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng được tạo ra từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên có mức bền vững và từ các nguồn năng lượng phi hóa thạch, như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện, sinh khối, địa nhiệt và năng lượng đại dương. Đây là các nguồn năng lượng, sau khi sử dụng có thể được tái tạo lại sau một thời gian.

Năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường. Năng lượng tái tạo là một nguồn năng lượng bền vững, không thải ra các chất ô nhiễm gây thiệt hại cho môi trường, được khai thác mà không gây tổn hại đến các hệ sinh thái. Nguồn tài nguyên tái tạo, không bị cạn kiệt theo thời gian và là nguồn năng lượng tin cậy. Năng lượng tái tạo góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Phát triển nguồn năng lượng tái tạo là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao an ninh năng lượng.

Năng lượng tái tạo có thể góp phần trong tăng trưởng kinh tế bền vững, đặc biệt là ở cấp quốc gia, bằng cách khai thác các nguồn lực địa phương và tạo ra ngành công nghiệp mới và tạo việc làm; Góp phần ổn định giá năng lượng. Giá điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời hiện đã cạnh tranh được với nhiều nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Quy mô sử dụng nguồn năng lượng tái tạo tăng không ngừng với tốc độ cao, điều này đã góp phần giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, góp phần ổn định giá năng lượng toàn cầu.

Phát triển năng lượng tái tạo sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân. Lượng phát thải khí nhà kính từ nhiên liệu hoá thạch góp phần giảm chất lượng không khí, gây tổn hại đến môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, nhất là tại các đô thị. Phát triển năng lượng tái tạo sẽ làm lượng khí thải thấp, không khí ít ô nhiễm. Năng lượng tái tạo góp phần cung cấp năng lượng cho khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn

Tuy nhiên năng lượng tái tạo có nhược điểm là quy mô sản xuất điện nhỏ, phân tán. Nguồn năng lượng tái tạo có độ tin cậy thấp. Nguồn năng lượng tái tạo hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết, không thể khai thác vào bất kỳ thời gian nào, nhất là nguồn điện gió, mặt trời; điều này có thể ảnh hưởng đến bảo đảm cung cấp năng lượng nếu quy mô năng lượng tái tạo lớn, trong trường hợp thời tiết không thuận lợi.

Thực tế, chi phí sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo còn cao. Với tiến bộ của khoa học và công nghệ, nhiều công nghệ năng lượng tái tạo đã có chi phí đầu tư giảm nhanh đáng kể,  nhất là nguồn điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, việc đầu tư các cơ sở sản xuất điện sử dụng năng lượng tái tạo vẫn đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Ngoài ra, năng lượng tái tạo chưa thể cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng với nguồn điện thông thường cho đến khi có các chính sách mới được áp dụng để đưa vào các chi phí của các nguồn nhiên liệu hóa thạch theo cơ chế thị trường.

Nguồn: Vietnamnet